
FARMSTAY WORKSHOP LÀ GÌ? – Farmstay kết hợp workshop hay farmstay workshop là một farmstay kết hợp một xưởng gia công, sáng tạo, chế tạo về một lĩnh vực mà người chủ trang trại đam mê như gỗ, tre, gốm,… Tại đây, khách hàng sẽ được trải nghiệm gia công, chế tác các vật phẩm đặc trưng của workshop trong khi tận hưởng không khí trong lành của trang trại.
Mô hình farmstay này được bắt nguồn từ sự yêu thích thiên nhiên, mong muốn sống cùng thiên nhiên mà vẫn có một không gian để thực hiện niềm đam mê của mình. Bên cạnh đó, mong muốn khách hàng được trải nghiệm việc gia công kỹ thuật trong không gian trang trại cũng là một nhân tố tạo nên loại hình farmstay này.
CÁC CHỨC NĂNG CẦN CÓ TRONG FARMSTAY WORKSHOP
1. KHU VỰC CANH TÁC
Trong một farmstay thì farm vẫn là một yếu tố quan trọng bởi khi du khách chọn mô hình du lịch farmstay thì họ đang có nhu cầu trải nghiệm gần gũi thiên nhiên, được ăn các nông sản, tham gia các hoạt động nông nghiệp,… Vì thế, khu vực canh tác cần được ưu tiên nhất định: Được quy hoạch bài bản, đầu tư các giống cây đa dạng để có thể thu hoạch quanh năm, cần lên kịch bản trải nghiệm trong khu vực farm (khách sẽ đi như thế nào? Thu hái nông sản ra sao? Gọt ăn tại những vị trí nào?…)
2. KHU VỰC CHẾ BIẾN SAU THU HOẠCH FARMSTAY WORKSHOP
Với những farm có diện tích lớn và sản lượng thu hoạch nhiều thì bạn nên có khu vực sơ chế và kho để cất giữ nông sản, sau đó đưa qua các dây chuyền chế biến, đóng gói rồi đưa ra khu vực bán hàng. Nếu lượng nông sản quá lớn thì bạn cũng nên thiết kế đường đủ lớn cho xe tải vận chuyển có thể vào tận nơi chế biến. Trong khu vực chế biến, bạn nên chú ý đến nguồn nước cấp cho việc rửa nông sản trong quá trình sơ chế. Bạn cũng nên chú ý đến vấn đề xử lý nước thải, tránh làm ô nhiễm đến các khu vực khác trong farmstay.
3. KHU VỰC WORKSHOP
Đây là nơi thể hiện đam mê, cá tính của chủ farmstay. Bạn có thể chọn một hình thức nghệ thuật cho workshop trong farmstay của mình như: Chế biến các sản phẩm từ gỗ, từ tre, gốm, lụa, nông sản từ chính farm của mình. Đó có thể là chưng cất tinh dầu, nước hoa hồng; sản xuất cafe thủ công theo phương pháp cafe đặc sản;…
Đôi khi các bạn có thể tổ chức những lớp truyền nghề cho những ai yêu thích sản phẩm từ farmstay của bạn: Hoa hồng, sả, cafe, trà,… Hãy lưu ý rằng khi một farmstay mang yếu tố đào tạo thì trong tâm trí của người tiêu dùng luôn ưu ái những người nông dân có tri thức, họ tôn trọng những người nông dân này như những người thầy dạy họ những tri thức mới. Đó chính là điểm khác biệt duy nhất của farmstay xuất phát từ niềm đam mê của bạn. Lúc đó, sẽ không ai có thể cạnh tranh với bạn trên phương diện này vì niềm đam mê và nhiệt huyết không dễ gì có được.
4. KHO WORKSHOP
Thông thường, kho workshop được đặt bên cạnh khu vực workshop hoặc gần khu vực chế biến nông sản để có thể kết hợp làm kho chung. Với một số nông sản đặc thù yêu cầu lưu trữ khô hoặc lạnh thì bạn nên sử dụng loại kho phù hợp với nông sản đó. Ví dụ: Kho cấp đông cho sầu riêng, kho giữ tươi cho cam, kho có độ ẩm thấp để bảo quản nấm,…
5. KHU VỰC ĐÓN TIẾP DU KHÁCH VÀ TRƯNG BÀY SẢN PHẨM
Đặc thù của khu vực này so với những farmstay khác nằm ở việc: Khi du khách vừa đến khu vực đón tiếp thì họ đã thấy ngay những sản phẩm đặc trưng của workshop. Đó chính là cách bạn ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng ngay những giây phút đầu tiên họ đặt chân đến farmstay của bạn. Hãy dành nhiều thời gian cho những yếu tố thương hiệu như đặt tên cho sản phẩm, thương hiệu, thiết kế các nhãn dán trên sản phẩm để khách hàng có thể nhớ đến sản phẩm của bạn. Tùy vào từng loại hình của sản phẩm workshop thì khu vực trưng bày có thể to, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là bạn cần trân trọng sản phẩm của mình, đừng đặt sản phẩm của mình dưới nền đất hay ở những vị trí không trang trọng.
6. KHU NGHỈ DƯỠNG (STAY) VÀ TRẢI NGHIỆM KHÔNG GIAN TRANG TRẠI (FARM)
Một số người đầu tư farmstay nghĩ rằng phần stay không cần đầu tư bài bản, đôi khi họ xem nhẹ việc đầu tư vào khu vực này khiến cho du khách cảm thấy tạm bợ. Tôi nghĩ rằng các bạn không nên suy nghĩ theo hướng này bởi vì khi đặt bản thân vào vị trí của du khách thì bạn có thoải mái khi ở một nơi nghỉ dưỡng thiếu tiện nghi cơ bản không? Vậy nên, thay vì đầu tư dàn trải, bạn hãy sử dụng vật liệu từ thiên nhiên mà không mang lại cảm giác tạm bợ. Phòng nghỉ nên có đủ những chức năng cơ bản đủ để tạo ra cảm giác an toàn, được tôn trọng cho du khách như: Tủ đầu giường, ổ cắm sạc gần đầu giường, nệm đủ êm, chăn đủ ấm, không có côn trùng tấn công, có nóng lạnh, khăn tắm sạch sẽ, các thiết bị trong phòng tắm chỉn chu,…
Thông thường, du khách đến farmstay của bạn đã từng trải nghiệm ở nhiều không gian nghỉ dưỡng khác nhau nên những yếu tố khác biệt, tỉ mỉ dù rất nhỏ trong một phòng nghỉ cũng làm cho họ cảm thấy hứng thú, vui sướng khi được quan tâm, chăm sóc trong từng chi tiết nhỏ (Vị trí đặt giấy vệ sinh, treo khăn, đặt ổ cắm sạc,… được đặt tinh tế để mang lại cảm giác tiện nghi).
7. BÃI ĐỖ XE FARMSTAY WORKSHOP
Với đối tượng khách hàng khác nhau và những kịch bản về workshop khác nhau thì bãi đỗ xe sẽ có diện tích khác nhau. Đôi khi, farmstay workshop có thể đón một lượng khách trải nghiệm trong ngày lớn nhưng lượng khách ở lại rất ít thì bãi đỗ xe cần lớn. Hoặc nếu bạn đang liên kết với những công ty tổ chức tour du lịch thì bãi đỗ xe cần đủ rộng cho những chiếc xe buýt quay đầu. Phương án kinh doanh của bạn quyết định trực tiếp đến kích thước đường, độ lớn của bãi đỗ xe.
8. KHU VỰC KỸ THUẬT FARMSTAY WORKSHOP
Đây là khu vực nhận được sự quan tâm chưa đúng mực trong quá trình phát triển farmstay. Khu vực kỹ thuật là nơi điều hành nước, điện, xử lý nước thải, rác thải,… Các chức năng này thường gây ra rắc rối trong việc vận hành farmstay nếu các bạn không đầu tư đúng mực cho khu vực này. Ví dụ: Một farmstay có thể bị mất điện toàn bộ nếu dây điện quá nhỏ gây cháy nổ vì quá tải; vệ sinh có thể bị tắc vì đường ống hay bể phốt quá nhỏ;… Và nếu như không có phương án dự phòng cho việc mất điện, mất nước thì toàn farmstay sẽ phải dừng hoạt động lúc đang có khách, gây ra những trải nghiệm không tốt trong ấn tượng khách hàng, không đúng với những cam kết trong việc cung cấp sản phẩm trải nghiệm farmstay.
LƯU Ý QUAN TRỌNG ĐỂ XÂY DỰNG FARMSTAY WORKSHOP THÀNH CÔNG
1. ĐAM MÊ FARMSTAY WORKSHOP
Để một farmstay workshop thành công thì bạn nên xây dựng farmstay dựa trên niềm đam mê, thích thú của mình với một loại hình nghệ thuật. Bởi vì, farmstay cũng là một loại hình kinh doanh, nó cũng phải trải qua những khó khăn, biến động của thị trường làm cho nhiều tháng liền farmstay của bạn không có khách. Chỉ khi có niềm đam mê, nhiệt huyết thì bạn mới có thể đón khách, tạo trải nghiệm thú vị và giữ lòng kiên trì phát triển farmstay của mình.
2. HIỂU KHÁCH HÀNG
Đôi khi vì hoạt động chuyên môn nên chúng ta thường quên đi trải nghiệm của khách hàng. Nhu cầu của khách hàng là được tôn trọng, thể hiện cái tôi, bản ngã; được trải nghiệm các không gian trong farmstay; được trải nghiệm các hoạt động trong workshop;… Khi bắt nguồn từ tình yêu khách hàng thì bạn sẽ luôn muốn tạo nên những trải nghiệm độc đáo cho họ, giúp đỡ họ trong quá trình trải nghiệm như hướng dẫn một đứa trẻ vụng về khi phải trải nghiệm những kỹ năng chuyên sâu như vẽ tranh, đẽo gỗ, đan lát, làm bánh,…
3. CÓ KẾ HOẠCH PHÙ HỢP CHO VIỆC PHÁT TRIỂN FARMSTAY WORKSHOP DỰA TRÊN NGUỒN LỰC ĐANG CÓ
Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng: Nguồn lực không chỉ là tiền mà còn là tri thức, mối quan hệ, công nghệ,… Vậy nên, mỗi người khác nhau có nguồn lực bắt đầu farmstay khác nhau. Tư duy quan trọng để phát triển farmstay là hãy luôn dự trữ một khoản tiền để nếu như kinh tế khó khăn, lượng khách không ổn định thì bạn vẫn đủ tiền để duy trì hoạt động farmstay (chi phí trả lương là chính). Lời khuyên của tôi là bạn hãy bắt đầu một cách chậm rãi, quan sát thị trường để có những quyết định đầu tư đúng đắn. Hãy chắc chắn khi xuống tiền đầu tư thì thứ bạn đầu tư sẽ mang lại một nguồn lợi hay dòng tiền nhất định, đừng đầu tư khi bạn không kiểm soát được sẽ đi về đâu.
Chúc các bạn làm FarmStay WorkShop thành công!
Nguồn: KTS Phạm Thanh Tùng
新职位
- 全部
- CEO 角落 - CCO - 销售
- 房地产商业法
- 房地产市场新闻